Skip to content

Sự nguy hiểm của lạm phát

    Ngày xưa Robin Hood lấy của người giàu chia cho người nghèo, ngày nay lạm phát lấy của người nghèo chia cho người giàu.

    Ở thời điểm hiện tại, lạm phát đã quá rõ ràng và không còn là tạm thời như chủ tịch FED tuyên bố cách đây vài tháng. Lạm phát ăn mòn thu nhập của người làm công ăn lương. Người dân trở nên nghèo hơn với cùng mức lương. Nếu một đất nước có bộ máy chính quyền tham nhũng, thì với lương cán bộ không đủ cho cuộc sống hàng ngày, họ sẽ càng tìm cách kiếm chác từ người dân.

    Người giàu thường giữ nhiều loại tài sản như vàng, bất động sản và chứng khoán. Lạm phát lại đẩy giá tài sản lên, thường là rất nóng. Năm 2021 là năm khó khăn vì dịch bệnh nhưng tài sản của những người giàu nhất thế giới lại tăng lên hàng trăm tỷ đô la. Giới nhà giàu nói chung cũng sống thoải mái hơn sau đại dịch. Giá cả các mặt hàng thiết yếu không ảnh hưởng nhiều đến khả năng chi tiêu của họ như cách chúng tác động lên người nghèo, vì nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong khối tài sản của họ. Trong khi với người nghèo thì sự tăng giá của một mặt hàng đã tác động đáng kể.

    Một điều biến lạm phát thành “Robin Hood ngược” của người giàu chính là tâm lý lo sợ lạm phát trước cả khi lạm phát cao thành hiện thực. Khi người dân sợ đồng tiền mất giá buộc họ phải tích trữ các loại tài sản. Điều này đẩy giá bất động sản, chứng khoán, vàng lên cao, những thứ mà người giàu đã nắm giữ nhiều trước đó, góp phần làm người giàu càng trở nên giàu hơn . Nhiều người gom góp cả đời phải chi tiêu ít đi để có tiền mua nhà mua đất. Phải chăng họ không nên mua thì sẽ không giúp người giàu trở nên giàu hơn? Thực ra nỗi lo bị bỏ lại phía sau và khi giá mọi thứ tăng liên tục làm nỗi sợ của họ lại trở thành “đúng” liên tục (nếu vẽ ra giấy bạn sẽ thấy vòng lặp phản hồi). Ngoài ra những người xung quanh giàu lên khi mua các loại tài sản đầu cơ cũng thôi thúc họ so sánh. Một lý do nữa là trong giai đoạn lạm phát thường đi kèm với những bất ổn xã hội, thất nghiệp gia tăng, trong khi tiền lương chưa bao giờ bắt kịp lạm phát. Nỗi lo về cuộc sống bấp bênh buộc họ phải mua các loại tài sản để trú ẩn phòng lúc không có thu nhập hay thu nhập không đủ.

    Trách nhiệm kìm hãm lạm phát phải đến từ chính sách tiền tệ và tài khóa của chính phủ chứ không thể hô hào người dân đừng tham gia vào các loại bong bóng tài sản. Khi chính phủ bơm quá nhiều tiền để kích cầu cùng với lãi suất thấp mà không điều hướng được dòng tiền thì nó sẽ tự động đi vào những chỗ có vẻ hứa hẹn lãi cao nhưng đầy rủi ro. Để đưa ra bàn cân giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng GDP, tôi nghĩ chính phủ nên chọn kiềm chế lạm phát vì lạm phát ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người dân, xa hơn là bất ổn chính trị. Không nên vì con số tăng trưởng GDP danh nghĩa mà tạo điều kiện lạm phát bùng lên (nếu lạm phát chạm mức 2 con số, rất dễ tạo vòng xoáy lạm phát mất kiểm soát). Nếu như GDP tăng trưởng 6% và lạm phát tăng 6% coi như bằng không. Hi sinh để GDP thấp nhưng lạm phát thấp vẫn là phương án ổn định hơn.

    Ở phương diện mỗi cá nhân, tôi nghĩ có ba cách đầu tư để vượt qua thời kỳ lạm phát:

    Một là đầu tư vào chính con người mình, kỹ năng tăng, bạn sẽ được xã hội tưởng thưởng và trả công xứng đáng bất kể lạm phát. Xã hội luôn cần năng lực của bạn.

    Hai là lựa chọn cổ phiếu các công ty tốt để đầu tư. Các công ty này có cơ cấu tài chính khỏe mạnh, mức sinh lời trên vốn cao, lợi thế cạnh tranh bền vững, sản phẩm thường được khách hàng sử dụng mà không có sự nhạy cảm về giá, tức là kể cả lạm phát hay khủng hoảng kinh tế, sản phẩm đó vẫn có một sức mạnh về định giá (tương đương với độc quyền). Một số ngành mà trong đó có nhiều khả năng có những công ty đáp ứng được các yêu cầu như vậy : y tế, giáo dục, dịch vụ công cộng như điện, nước, bến xe. Để chọn được công ty như vậy, thực sự là một bài toán khó, có lẽ giống như cấp độ học sinh giỏi quốc gia.

    Ba là đầu tư vào vàng. Như một công thức phòng ngừa lạm phát bao đời nay. Đầu tư vàng nói chung khá đơn giản vì không có nhiều lựa chọn. Tuy lãi suất cao cũng làm tăng chi phí cơ hội của việc giữ vàng nhưng vàng là tài sản ít rủi ro. Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động khó lường về địa chính trị như căng thẳng Mỹ-Trung hay vấn đề Nga-Ukraina, thì có thể nắm giữ vàng là một lựa chọn khôn ngoan. Khi nhà đầu tư mất niềm tin vào các loại tài sản khác thì vàng lại là nơi trú ẩn. Đi ngược lại với câu nói thông thường “rủi ro cao-lợi nhuận cao”, còn đối với tôi thì cái gì an toàn nhất lại là thứ sinh lời nhất.

    Quay đi quay lại, việc giữ tiền mặt trong lạm phát quả là xót ruột !

    Theo: Sam – Valueway 10/02/2022

    Leave a Reply