Trong bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu về các nguyên lý hoạt động của đầu tư giá trị. Theo đó, nhà đầu tư giá trị sẽ mua vào cổ phiếu khi nó giao dịch ở mức giá thấp hơn đáng kể so với giá trị nội tại. Vậy để biết mức giá đang giao dịch trên thị trường có thấp hơn giá trị nội tại không, nhà đầu tư phải tiến hành định giá doanh nghiệp và so sánh với mức giá đang được mua bán trên thị trường.
Joe Greenblat là tác giả của một số cuốn sách nổi tiếng về đầu tư như: The litle book that still beats the market, You Can Be a Stock Market Genius: Uncover the Secret Hiding Places of Stock Market Profits. Ông quản lý quỹ Gotham Fund đạt lợi nhuận trung bình 40% trong 20 năm (1985-2005) trước khi nghỉ hưu. Nói về tầm quan trọng của việc định giá trong đầu tư giá trị Ông viết: “Nếu bạn làm công việc định giá tốt, Tôi dám chắc với bạn rằng thị trường sẽ dành cho bạn phần thưởng xứng đáng. Tôi chỉ không dám chắc với bạn rằng khi nào thị trường sẽ làm điều đó”.
Buffett cũng nói về tầm quan trọng của định giá: “Chúng ta muốn ban quản lý tốt, muốn một ngành tạm ổn, cũng muốn muốn một chút xáo động nhất định trong nhóm cổ đông hay đội ngũ quản lý im lìm. Nhưng trên hết, chúng ta cần giá trị”.
Vì định giá là quan trọng như vậy nên sau khi nắm được nguyên lý hoạt động của đầu tư giá trị, việc quan trọng tiếp theo của chúng ta là tìm hiểu là về cách định giá một doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có thể được định giá dựa trên cơ sở tài sản hoặc dựa trên cơ sở dòng tiền. Trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu về định giá dựa trên cơ sở tài sản.
Phương pháp định giá trên cơ sở tài sản được đặt nền móng bởi Ben Graham, người thầy của Buffett. Trong một bức thư gửi nhà đầu tư năm 1946, Ông mô tả về các cổ phiếu Ông mua: “chứng khoán với mức giá dưới giá trị nội tại, được xác định bởi phân tích kỹ lưỡng, nhất là mua chứng khoán với mức giá thấp hơn giá trị thanh lý”. Phương pháp này có tên gọi là Net-Net hay còn gọi là Cigar butt. Luận điểm đầu tư ở đây là có một số doanh nghiệp xấu hay gặp phải vấn đề nào đó và thị trường đã đẩy giá cổ phiếu xuống thấp đến mức mà nếu tiến hành đóng cửa doanh nghiệp, thanh lý tài sản, thanh toán hết nợ và thực hiện hết các nghĩa vụ nợ thì giá trị còn lại vẫn cao hơn đáng kể so với vốn hóa thị trường. Phương pháp Net -Net có hai cách thực hiện:
1. Netcash (NC): Giá trị DN = Tiền và tương đương tiền + Đầu tư tài chính ngắn hạn (Nếu nó là các khoản tiền gửi) – Tổng nợ
2. Net working capital (NWC): Giá trị DN = Tài sản ngắn hạn – Tổng nợ
Tài sản ngắn hạn gồm:
– Tiền và tương đương tiền: Phần này giữ nguyên 100% giá trị
– Đầu tư tài chính ngắn hạn: Nếu là tiền gửi thì giữ nguyên giá trị. Nếu là chứng khoán kinh doanh thì phải xem danh mục gồm những cổ phiếu nào, biến động giá, đã trích lập dự phòng chưa… để đánh giá lại giá trị danh mục.
– Phải thu ngắn hạn: Xem xét lịch sử phát sinh nợ xấu của DN. Các khoản này phải thu của những khách hàng nào? Uy tín, năng lực của họ ra sao? Để xem mức độ khoản phải thu có lớn không tôi thường lấy (Khoản phải thu/Doanh thu)x365, con số này cho bạn hình dung khoản phải thu có lớn không, DN cần bao lâu để thu hồi khoản phải thu. Khoản phải thu khó đánh giá mức độ thu hồi nên nhỏ là tốt. Về nguyên tắc chung, Ben Graham đề xuất mức chiết khấu 20% cho khoản phải thu. Một số nhà đầu tư giá trị hiện nay trên thế giới sử dụng mức chiết khấu 30%.
– Hàng tồn kho: Tùy thuộc đặc tính hàng tồn kho, chất lượng hàng tồn kho mà áp dụng tỷ lệ chiết khấu phù hợp. Nhưng do tính phức tạp, khó đánh giá nên tồn kho ít là tốt hơn và nên áp dụng một tỷ lệ chiết khấu cao. Để đánh giá mức độ hàng tồn kho tôi thường lấy giá vốn hàng bán/hàng tồn kho để có hình dung chung về quy mô tồn kho. Về tỷ lệ chiết khấu, Ben Graham đưa ra nguyên tắc chung là chiết khấu 33% với hàng tồn kho. Một số nhà đầu tư giá trị trên thế giới sử dụng mức chiết khấu 50%.
Như vậy, có thể thấy phương pháp NC là an toàn hơn so với NWC vì nó đã loại hoàn toàn biến thiếu chắc chắn là đầu tư tài chính, khoản phải thu và hàng tồn kho.
Sau khi xác định được giá trị DN chia nó cho số cổ phiếu sẽ ra giá trị mỗi cổ phiếu. So sánh nó với giá giao dịch trên thị trường, khoảng chênh lệch thấp hơn giữa giá giao dịch và giá trị càng lớn thì biên an toàn và lợi nhuận tiềm năng càng cao.
* Một số chú ý khi sử dụng phương pháp Net – Net:
– Đầu tư vào Net – Net phù hợp với người có tính kiên nhẫn, một khoản đầu tư có thể mất 2-3 năm cổ phiếu mới tăng về mức giá hợp lý.
– Danh mục phải rất đa dạng đến vài chục cổ phiếu. Walter Schloss, một nhà đầu tư rất thành công với Net-Net thường sở hữu 60-70 cổ phiếu trong danh mục.
– Đánh giá xem doanh nghiệp có suy giảm giá trị theo thời gian không. Giá trị DN có thể suy giảm qua thời gian do nhiều nguyên nhân như: Ban lãnh đạo thiếu trung thực, bòn rút tài sản DN; DN kinh doanh thua lỗ…
– DN có nhiều nợ không? Nợ nhiều có thể khiến DN đã xấu lại càng xấu hơn, nên DN càng ít nợ càng tốt.
* Case study: Có rất nhiều case study trong những năm 2013 -2014 đã đem lại lợi nhuận khá tốt nhưng tôi lấy một case đang xảy ra trong thực tế để tham khảo: Công ty Cp Đầu tư Tài chính giáo dục (Mã CK: EFI) , giá hiện tại: 6,5k, vốn hóa: 71 tỷ.
Theo BCTC Quý 2/2017:
– Tiền và tương đương: 17 tỷ
– Đầu tư tài chính ngắn hạn: Tiền gửi 48 tỷ; chứng khoán kinh doanh gồm có 14 tỷ giá gốc đầu tư vào cổ phiếu EID, do cổ phiếu EID tăng nên giá ghi sổ là 19 tỷ, ta lấy theo giá gốc 14 tỷ; khoản đầu tư 923 triệu vào cổ phiếu MCV ta không tính vào giá trị.
– Tổng nợ: 2 tỷ
– Giá trị DN: 17 + 48 + 14 – 2 = 77 tỷ
Như vậy, EFI giao dịch thấp hơn giá trị thanh lý gần 10%. Có vẻ không hấp dẫn lắm. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn thấy EFI có khoản bất động sản đầu tư 29 tỷ đồng gồm: Số 256, 258 Phan Chu Trinh, Đà Nẵng; Lô E5 Ven biển, Quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng; số 02 Khu tái định cư đường Nguyễn Văn Linh nối dài, Đà Nẵng. Sơ bộ tham khảo giá, tổng giá trị bất động sản này có giá hiện cao hơn khá nhiều so với giá gốc 29 tỷ đồng. Nếu ta ghi nhận ở mức thấp theo giá gốc là 29 tỷ đồng thì giá trị thanh lý kể cả bất động sản đầu tư là: 106 tỷ. Giá giao dịch trên thị trường chỉ bằng khoảng 67% giá trị thanh lý. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của DN khá ổn định, lợi nhuận ròng khoảng 4-5 tỷ/năm.
P/S: Valueway không khuyến nghị mua, bán. Nhà đầu tư tự quyết định và tự chịu trách nhiệm với các quyết định mua, bán cổ phiếu của mình.
Valueway 15/07/2021