Định nghĩa đầu tư theo chỉ số đơn giản là một rổ danh mục đầu tư đựng rất nhiều cổ phiếu được tạo ra để mô phỏng hiệu suất tổng thể của thị trường chứng khoán (TTCK). VD: S&P500 hay DowJones,… và nắm giữ nó mãi mãi. Một cá nhân đơn lẻ không thể nào có đủ nguồn lực để mô phỏng toàn bộ thị trường nhưng 1 quỹ chỉ số lớn thì có thể. Và nhà đầu tư nhỏ muốn mô phỏng hiệu suất thị trường thì chỉ cần tham gia vào quỹ chỉ số đó.
Nhờ quản lý thụ động nên quỹ có chi phí quản lý cực thấp, ít giao dịch nên chi phí chuyển đổi thấp, đa dạng hóa rộng rãi nên giảm thiểu rủi ro cổ phiếu riêng lẻ hay nhóm cổ phiếu riêng lẻ, giảm thiểu rủi ro nhà quản lý, hầu như chỉ chịu rủi ro duy nhất là Thị trường. Lợi nhuận đến từ sự đồng hành cùng doanh nghiệp: cổ tức, tăng trưởng thu nhập và tận dụng sức mạnh của lãi kép. Có nhiều điểm giống với đầu tư giá trị.
Lý lẽ chính được đưa ra bao gồm:
Một là, đánh bại TTCK là một cuộc chơi có tổng bằng không( Zero sum game). Như vậy, Lợi nhuận của kẻ thắng chắc chắn là khoản lỗ của người thua. Tính trung bình thì chỉ bằng chỉ số, nếu trừ đi chi phí quản lý, giao dịch, thuế thì chắc chắn kém hơn chỉ số.
Hai là, Hồi quy về giá trị trung bình( Regression to the mean: RTM). Tức là, chọn một công ty hay một nhóm ngành đang lên thì khả năng vài năm sau, công ty hay nhóm ngành đó sẽ có xu hướng đi xuống lại. Chọn một quỹ đầu tư chủ động cũng vậy, có kết quả tốt trong một thời gian ngắn rồi về sau kết quả rất tệ, để rồi phải giải thể hay sáp nhập vào quỹ khác.
Jack Bolgle là người khai sinh ra khái niệm quỹ chỉ số và thành lập quỹ chỉ số đầu tiên trên thế giới năm 1976, hiện tại là quỹ chỉ số lớn nhất :Quỹ Vanguard 500( mô phỏng theo S&P 500). Không chỉ được hỗ trợ bởi lý thuyết thị trường hiệu quả hay bước đi ngẫu nhiên, quan điểm đầu tư theo chỉ số cũng được các nhà đầu tư nối tiếng như Warren Buffett, Charlie Munger hay Peter Lynch ủng hộ. Nhưng đối với cá nhân người viết, người theo thuần trường phái đầu tư giá trị, thì có nhiều quan điểm không đồng ý về đầu tư theo chỉ số.
Đây không phải cuộc chơi có tổng bằng không. Khi mua, nếu xác định đi cùng một doanh nghiệp tốt thì giá trị vẫn tăng lên với sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Trong khi người bán vẫn có lãi, hài lòng với kết quả của thời gian nắm giữ trước đó. Chắc chắn nhiều người đồng ý với tôi rằng trong một cuộc mua bán, vẫn có thể win-win hay lose-lose.
Có công ty tốt, công ty kém, thậm chí có công ty lừa đảo. Buffett từng nói “ Việc đa dạng hóa quá mức chẳng khác nào thừa nhận sự ngu dốt”. Theo tôi, việc đó còn thừa nhận cả các công ty lừa đảo là đáng tiền mua. Trong khi chỉ cần dành chút thời gian và kiến thức đúng đắn là có thể loại bỏ phần lớn các công ty yếu kém, đạo đức lãnh đạo hạng cống rãnh. Như vậy, thậm chí chỉ cần khu trú lại thành 1 rổ nhỏ hơn sau khi loại bỏ những thứ rác rưởi dễ thấy thì vẫn tốt hơn nhiều mô phỏng toàn bộ.
Khi nói chúng ta không thể vượt qua trung bình, điều đó hoàn toàn đúng. Ví dụ trong một lớp học, điểm số trung bình của tất cả sinh viên là 7, thì trung bình điểm số của họ sẽ không thể vượt quá 7. Đó là điều hiển nhiên. Nhưng ở đây đã lờ đi sự khác biệt trong năng lực giữa nhóm đầu và nhóm cuối. Với các tiêu chuẩn rõ ràng, đúng đắn thì không khó để chọn ra 10 sinh viên giỏi nhất và 10 sinh viên kém nhất. Nếu phải đặt cược rằng tương lai của nhóm nào thành công hơn, tôi sẽ an tâm đặt vào nhóm giỏi nhất. Dù cho tương lai là bất định, một số sinh viên không thể hiện đúng năng lực hoặc một số tài năng khác bị bỏ sót hoặc một tiêu chuẩn đánh giá nào đó có sai sót. Tương đối đúng còn hơn hoàn toàn sai.
Tôi cũng không nghĩ RTM đúng. Tôi không nghĩ 10 sinh viên giỏi nhất lớp năm nay thì khả năng cao trong năm sau hay 4 năm sau sẽ đứng cuối lớp. Các công ty cũng vậy, nếu ta tìm hiểu kỹ và có lý do để tin rằng lợi thế cạnh tranh là bền vững, tiếp tục tăng trưởng hoặc giữ vững lợi nhuận với mức giá hợp lý, thì công việc chọn lọc và phân tích công ty là đáng làm. Công việc này khác xa việc chúng ta lựa chọn ngẫu nhiên một công ty hay một quỹ đầu tư chỉ vì thành tích tốt ngắn hạn hay lợi nhuận được báo cáo sẵn của họ mà không cần tìm hiểu sâu bên trong. Khác với tung đồng xu và các hình thức đầu tư phi khoa học, đầu tư giá trị có cơ sở khoa học. Chắc không phải ngẫu nhiên mà những con khỉ có thành tích xuất sắc trong việc tung đồng xu lại nằm trong cùng ngôi làng mang tên Graham-Doddsville.
Các quỹ đầu tư giá trị có những rổ cổ phiếu gồm những công ty khác nhau hay các loại chứng khoán khác nhau, nhưng đều dựa vào bài học căn bản về giá trị, giá cả, biên độ an toàn. Tức là, dù có nhiều người đầu tư giá trị, nếu kiến thức đúng đắn, mỗi người đều có thể đạt lợi nhuận theo cách đầu tư của riêng mình. Nếu quỹ chỉ số là phương thức đầu tư tiêu chuẩn nhất, mẫu mực nhất, và tất cả mọi người đổ dồn vô mua những cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất. Giá bị đẩy lên vô tình lại tự làm đúng chính nó. WorldCom hay Enron từng là những công ty được các quỹ săn đón, đơn giản chỉ vì vốn hóa lớn. Ở Việt Nam, nhiều công ty trong rổ VN30 thật sự nhảm nhí. Ngược lại, nếu một quỹ lớn vì lý do tái cấu trúc, giải thể, sáp nhập, hay lý do tài chính đơn giản nào đó mà phải bán ra cổ phiếu một công ty tốt nhưng chẳng liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty, thì việc bán ra lượng lớn trong thời gian ngắn vô tình làm vốn hóa thị trường của công ty đó không đạt tiêu chuẩn. Một loạt các quỹ chỉ số tương tự khác bắt buộc cũng phải bán ra theo, tạo một đợt giảm giá nghiêm trọng. Lại một lần nữa, tự làm đúng chính nó. Nếu không có những người đi tìm món hời, có thể công ty bị bán tháo vô lý đó sẽ mãi nằm dưới đáy, một cách máy móc.
Tóm lại, quỹ chỉ số vẫn có mặt tích cực của nó, hơn là phân tích kỹ thuật hay các hệ số alpha beta. Tôi nghĩ Buffett và Munger muốn gửi lời khuyên đến những nhà đầu tư đại chúng, không chuyên, không có thời gian đọc và tìm hiểu, hoặc hiểu rõ hạn chế về năng lực của mình, thì việc lựa chọn quỹ chỉ số là an tâm hơn việc đánh cược vào một cổ phiếu hay quỹ đầu tư ngẫu nhiên. Câu hỏi là ” Liệu có ai tự nhận mình kém hơn mức trung bình: về nhận thức, đánh giá, tiếp cận thông tin,… và liệu có ai bỏ đi cái cảm giác ăn thua lên xuống của một con bạc để tham gia quỹ chỉ số? “.
Theo: Sam, Valueway