Bức tranh đầu tư ngày nay mở rộng và phong phú hơn cũng là lý do khiến tình trạng cạnh tranh khắc nghiệt không cản trở những nhà đầu tư giá trị. Graham có danh sách hạn chế các chứng khoán vốn và nợ được giao dịch công khai ở Mỹ. Ngày nay, riêng ở Mỹ đã có hàng nghìn cổ phiếu giao dịch công khai, hàng chục nghìn trên phạm vi thế giới, cộng thêm hàng nghìn trái phiếu doanh nghiệp và các chứng khoán nợ được đảm bảo bằng tài sản. Các tài sản thiếu thanh khoản trước đây như khoản vay ngân hàng, giờ đã được giao dịch thường xuyên. Các nhà đầu tư cũng có thể chọn từ danh sách gần như vô tận với công cụ phái sinh (derivative instrument) bao gồm các hợp đồng tùy chọn được thiết kế để đáp ứng bất kỳ nhu cầu hay mong muốn nào.
ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ NGÀY NAY (tiếp theo)
Tuy vậy, 25 năm tăng trưởng mạnh đã khiến thị trường không còn nhiều khoản đầu tư với mức giá hời. Giá cao cộng cạnh tranh khốc liệt làm gia tăng lo ngại về lợi tức thấp hơn cho các nhà đầu tư giá trị. Vài công ty đầu tư giá trị cũng trở nên cực kỳ lớn, quy mô có thể là kẻ thù của hiệu quả đầu tư, bởi việc ra quyết định sẽ bị chậm lại do tính quan liêu và khó chấp nhận những cơ hội sinh lợi nhỏ để đáp ứng nhu cầu lợi nhuận lớn.
Thêm vào đó, số lượng người mua và các nhà phân tích thực lực ở bên bán ngày càng gia tăng, miệt mài thực hiện các giao dịch với trợ giúp của công nghệ thông tin phức tạp, khiến ít chứng khoán thoát khỏi cách săn lùng này để có giá rất thấp so với giá trị thực. Nhà đầu tư giá trị ngày nay khó có thể tìm ra cơ hội mà chỉ dựa vào định hướng của cẩm nang Đường giá trị (Value Line) hoặc chỉ lướt sơ qua danh sách các cổ phiếu. Trong khi các chứng khoán giá hời khó nhận biết được bằng mắt thường, chứng khoán ngày nay nhiều khả năng bị định giá sai khi nhà đầu tư cố ý hay vô tình bỏ qua chúng. Kết quả là, nhà đầu tư giá trị phải trăn trở nhiều hơn về việc sẽ đặt trọng tâm phân tích ở đâu. Ví dụ, đầu những năm 2000, không ít nhà đầu tư vỡ mộng với các biện pháp phân phối vốn ở nhiều công ty Hàn Quốc, do đó chỉ ít nhà đầu tư xem các doanh nghiệp này là cơ hội đầu tư đáng giá. Kết quả là, cổ phiếu của nhiều công ty Hàn Quốc được giao dịch với giá cực thấp theo cách định giá phổ biến của quốc tế: Ở mức 2 hay 3 lần giá trị dòng tiền, thấp hơn phân nửa giá trị cơ sở của doanh nghiệp, thậm chí có trường hợp thấp hơn lượng tiền mặt (sau khi trừ nợ) trên bảng cân đối kế toán. Các cổ phiếu giá hời như Posco và SK Telecom cuối cùng cũng thu hút những nhà đầu tư giá trị; Warren Buffett đã thu được khoản lợi nhuận kếch sù từ các công ty Hàn Quốc.
Nhà đầu tư giá trị ngày nay cũng tìm cơ hội ở cổ phiếu và trái phiếu của các doanh nghiệp tai tiếng trên phố Wall vì liên quan đến kiện tụng kéo dài, gian lận kế toán hoặc khó khăn tài chính. Chứng khoán của những doanh nghiệp như thế đôi khi được giao dịch ở mức giá hời và có thể trở thành khoản đầu tư tốt với những người có thái độ can đảm trước những thông tin xấu. Ví dụ, món nợ của Enron – doanh nghiệp có hình ảnh xấu nhất sau vụ tai tiếng phải phá sản vào năm 2001, được giao dịch ở mức 10 xu trên 1 đôla lãi suất; song cuối cùng, giá trị trái phiếu lại phục hồi gấp 6 lần. Tương tự, các doanh nghiệp liên quan đến kinh doanh thuốc lá và thạch ma gặp khó khăn trong những năm gần đây, do dính vào các vụ kiện tụng kéo dài, dẫn đến khó khăn tài chính. Tựu chung, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng, thay đổi trong ban quản trị, gặp vấn đề kế toán, xuống hạng đánh giá…lại tiềm ẩn nhiều cơ hội hơn các doanh nghiệp luôn hoạt động hiệu quả.
Khi các món hời trở nên hiếm gặp, nhà đầu tư giá trị phải kiên nhẫn; thay đổi các tiêu chuẩn là con đường nhanh nhất dẫn đến thảm họa. Các cơ hội mới sẽ xuất hiện, ngay cả khi chúng ta không biết khi nào hay ở đâu. Khi thiếu các cơ hội hấp dẫn, giữ ít nhất một phần tài sản tương đương tiền (ví dụ trái phiếu kho bạc Mỹ) trong danh mục và chờ đợi cơ hội tương lai đôi khi là lựa chọn khôn ngoan nhất. Gần đây, Warren Buffett nói rằng ông có nhiều tiền đầu tư hơn các khoản đầu tư tốt. Như tất cả nhà đầu tư phải làm lúc này hay lúc khác, Buffett đang kiên nhẫn chờ đợi.
Dù vậy, các nhà đầu tư giá trị là những chuyên gia phân tích từ dưới lên (bottom-up), giỏi đánh giá chứng khoán ở một thời điểm dựa trên các chỉ số cơ bản. Họ không cần toàn bộ thị trường được định giá hời, danh mục chỉ cần 20 hay 25 chứng khoán không liên quan đến nhau là đủ để đa dạng hóa rủi ro. Thậm chí trong thị trường đắt đỏ, nhà đầu tư giá trị phải liên tục phân tích chứng khoán và đánh giá các doanh nghiệp, thu thập kiến thức và kinh nghiệm hữu ích trong tương lai. Do đó, các nhà đầu tư giá trị không nên cố gắng chọn thời điểm mua, hoặc đoán liệu thị trường sẽ tăng hay giảm trong ngắn hạn. Thay vào đó, nên dựa vào cách tiếp cận từ dưới lên, sàng lọc thị trường chứng khoán để tìm ra các khoản đầu tư hời và sau đó mua chúng, bất chấp mức giá, xu hướng thị trường gần đây hay tình hình kinh tế. Chỉ khi không thể tìm ra những khoản đầu tư hời, chúng ta mới lựa chọn giữ tiền mặt.
Theo: Seth Klarman – Phân tích chứng khoán 6th Edition