Skip to content

Báo cáo thường niên 2023

    Kính gửi quý nhà đầu tư, Quỹ Valueway đã kết thúc năm đầu tiên. Chúng tôi nhận được sự tin tưởng của các bạn để quản lý đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thành tích có thể nói là tương đối tốt và ổn định trong một năm thị trường đầy khó khăn đã phần nào giúp chúng tôi tự tin hơn để báo cáo kết quả tới mọi người. Một khởi đầu thuận lợi cũng giúp con đường phía trước rộng mở hơn. Với cam kết “Người đầu bếp phải ăn được món anh ta nấu”, mỗi nhà quản lý đều góp số vốn lớn trong quỹ. Chúng tôi đầu tư không chỉ vì lấy thành tích, mà còn vì chính tài sản của chúng tôi. Lợi ích của chúng ta luôn song hành. Và, mục tiêu tối thượng của quỹ là mang lại sự hài lòng và giấc ngủ ngon cho nhà đầu tư và cho cả người quản lý.

    Thành tích cả năm 2023 tính đến ngày 24/12 là 12,62%. (Chúng ta sẽ lấy mốc ngày 24/12 hàng năm chứ không phải 31/12 vì chúng tôi muốn dành ra 1 tuần cho các công việc hành chính cũng như để nhà đầu tư có thời gian cân nhắc số tiền đầu tư cho năm sau). Cùng khoảng thời gian đó, VNindex tăng 9,57%. Như vậy, mục tiêu đánh bại VNindex hơn 5% đã hoàn thành tương đối tốt. Giống như trong các môn thể thao đối kháng, việc hạn chế sai lầm sẽ giúp bạn thắng đối thủ. Chúng ta cũng cố gắng hạn chế các sai lầm, và có vẻ như VNindex đã tự đánh bại chính nó. Con số cuối cùng đôi khi không diễn tả hết về quá trình đầu tư. Trong nửa cuối năm, thành tích của Valueway dao động từ 11% đến 17%. Còn VNindex, đã có lúc tăng lên 24,5% nhưng có lúc giảm sâu chỉ còn hơn 1,3% so với đầu năm. Và sự biến động từ đỉnh đến đáy này diễn ra trong khoảng tháng 9 đến tháng 10, khoảng thời gian mà Valueway đang nắm giữ tới 40% tài sản bằng tiền mặt. Chúng tôi không nắm rõ quá trình đầu tư của các nhà đầu tư khác trên thị trường, nhưng chúng tôi cảm nhận rằng, giai đoạn này đã làm xáo trộn giấc ngủ của họ khá nhiều, ngay cả với các chuyên gia có tiếng.

    Nếu so kết quả một năm riêng lẻ, chúng ta sẽ không nổi trội. Nhưng nếu so kết quả trong nhiều năm liên tục – có lẽ 5 năm là mốc khách quan mà mọi người nên nhìn vào- thì chúng tôi tự tin rằng, quỹ Valueway sẽ thể hiện kết quả ấn tượng. Bởi vì chúng ta đặt mục tiêu kết quả ổn định trong dài hạn là trọng tâm trong chiến lược đầu tư lâu dài của Valueway.

    Hãy cân nhắc bài toán sau. Trong 4 năm, Quỹ A có mức tăng trưởng lần lượt là +100%, -40%, +60%, -30%. Còn Quỹ B có mức tăng trưởng từng năm là +15%. Theo bạn, A hay B có mức tăng trưởng cao hơn? Kết quả sau 4 năm, tài sản của A sẽ là ( 1 + 1) x ( 1 – 0,4) x ( 1 +0,6) x ( 1 -0,3)= 1,34. Tăng trưởng 34%. Còn tài sản của B sẽ là ( 1+ 0,15) x ( 1 + 0,15) x (1 + 0,15) x ( 1+ 0,15) =  1,75. Tăng trưởng 75%. Đúng vậy, B có mức tăng trưởng hơn gấp đôi so với A. Khoảng cách này sẽ được nới rộng một cách khổng lồ nếu A tiếp tục trồi sụt và B tiếp tục ổn định trong dài hạn.

    3 cổ phiếu trụ cột

    Trong danh mục 15-20 cổ phiếu của quỹ, có 3 cổ phiếu chiếm tỷ trọng tương đối cao so với phần còn lại, mỗi cổ phiếu khoảng 10% tài sản. Chúng ta sẽ phân tích sơ qua.

    Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex (Mã : CMF)

    Thương hiệu tương ớt lâu đời gắn với rất nhiều người dân Việt Nam. Có lẽ hình ảnh chai tương ớt sẽ khó bị phai mờ trong tâm trí người tiêu dùng. Và chúng tôi không nghĩ tình hình kinh tế lên xuống hay công nghệ máy móc phát triển sẽ làm thay đổi thói quen sử dụng tương ớt của khách hàng. Có thể 10 năm nữa vẫn vậy. Với tỷ lệ vay mượn thấp so với tài sản, lượng cổ tức chưa phân phối lên tới 1/2 so với thị giá, hệ số giá thu nhập P/E ở mức 6, ROE trung bình hàng năm từ 30% trở lên. Một món hời hiện ra trước mắt. Tuy nhiên, vì tính thanh khoản thấp và thị giá cao 180k đến 200k/cổ phiếu đã khiến rất nhiều người e dè mua vào. Nhưng chúng ta không mua cổ phiếu để bán, chúng ta mua để sở hữu lâu dài một phần của doanh nghiệp.

    Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen (Mã : DSN)

    Cái tên Đầm Sen là một nét văn hóa của Sài Gòn. Không chỉ là nơi vui chơi giải trí cho mọi người mà còn là nơi gắn kết gia đình, bạn bè qua nhiều thế hệ người dân. Rủi ro của DSN nằm ở hình thức giải trí cạnh tranh mới. Tuy nhiên trong thời kỳ khó khăn hiện nay, khó xuất hiện đối thủ mới. Kể cả khi kinh tế lạc quan, thì việc đầu tư một công viên lớn ngay trong thành phố là cực kỳ tốn kém. Giá vé bình dân của DSN là một lợi thế cạnh tranh mà các đối thủ khác rất khó vượt qua. Trong bối cảnh vật giá leo thang, tài chính eo hẹp, giá vé bình dân ở nội thành cũng giúp mọi người dễ tiếp cận hơn so với các hình thức giải trí đắt đỏ khác hay đi du lịch. Tình hình tài chính của công ty rất lành mạnh, không hề vay nợ, ROE cao mà không cần tái đầu tư nhiều, cổ tức đều và cao. Chúng tôi phân loại vui rằng đây đích thị là một công ty dạng “bò sữa”, cung cấp sữa cho chúng ta một cách đều đặn. Trong khi P/E chỉ ở mức 6,x. Một tấm khiên vững chãi cho quỹ.

    Công ty cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (Mã : FOC)

    Đây chính là công ty chúng tôi từng nhắc sơ qua trong báo cáo bán niên. Lợi nhuận những quý gần đây sụt giảm sâu khiến cho giá cổ phiếu giảm tương ứng. Phải thành thật rằng quỹ bị giảm khoảng 3% tài sản từ thương vụ này nhưng chúng tôi cho rằng sự sụt giảm là nhất thời. Và chúng tôi vẫn đang mua vào nếu giá vẫn hời, nhưng tỷ trọng vốn sẽ không vượt quá 10% tài sản quỹ. Vì sao là món hời?

    Thương hiệu của tờ báo điện tử Vnexpress là không thể bàn cãi. Giá trị thương hiệu vượt tầm thời gian. Theo chúng tôi được biết thì đây là trang báo có lượt truy cập nhiều nhất Việt Nam, nhiều user nhất Việt Nam, tốc độ tải trang nhanh nhất, thời gian ở lại một trang báo cũng lâu nhất( thể hiện sự quan tâm thật sự đến tin tức chứ không phải lướt tin). Đằng sau là sự hỗ trợ công nghệ tuyệt vời từ công ty mẹ FPT. Chúng tôi nhận ra cả 3 khía cạnh: công nghệ, tài chính, báo chí của FOC đều vững mạnh. Ở Việt Nam, số công ty có giá trị thương hiệu và tài sản trí tuệ như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi thấy thực sự bị thu hút và hứng khởi khi đầu tư vào FOC.

    Một số sai lầm

    Đây là phần chúng tôi không muốn nhắc đến nhất. Nhưng chúng ta phải có trách nhiệm cho tất cả những người đã tin tưởng vào mình biết được sai lầm của bản thân. Đó là thương vụ mua Công ty cổ phần xây dựng CIC39 ( Mã: C32). Ấn tượng đầu tiên về công ty là thị giá chỉ bằng 1/2 giá trị sổ sách. Cổ tức các năm trước đều đặn là 24%. Đa phần tài sản ở dạng hàng tồn kho, tài sản cố định, và các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty vật liệu xây dựng khác. Chúng tôi cố gắng chiết khấu những tài sản này ở mức tối đa và tưởng rằng biên độ đã đủ an toàn để mua. Nhưng điều chúng tôi không ngờ là khi thị trường bất động sản xấu đi, mọi thứ xấu đi cùng một lúc. Lẽ ra hàng tồn kho và tài sản cố định phải được chiết khấu sâu hơn vì những thứ đó không thể tạo ra dòng tiền. Kế hoạch trả cổ tức thay đổi chỉ còn 8%/năm. Nhận thấy đây không phải “mẩu xì gà” ngon lành, chúng tôi đã cắt lỗ. Khoản lỗ này gây tác động 0,5% tài sản quỹ. Có thể mọi người cho rằng không nhiều nhưng với tinh thần chắt chiu, nó đã để lại bài học sâu sắc cho chúng tôi. Mất 0,5% tuy không đắt đỏ nhưng vẫn là sai lầm, trong khi thương vụ FOC đã đánh mất 3% tài sản quỹ nhưng chúng tôi lại thấy vững tin hơn.

    Định hướng 2024

    Danh mục quỹ gồm 15-20 cổ phiếu phân bổ trong nhiều ngành nghề. Chúng tôi nghĩ sự đa dạng vừa đủ giúp chúng ta đạt được cả 2 mục tiêu, phân bổ rủi ro và khả năng hiểu biết sâu về những công ty chúng ta đang đầu tư. Dù con số yêu thích là 100% danh mục ở trạng thái cổ phiếu, nhưng dự tính trong 2024, quỹ sẽ dự trữ một lượng tương đương tiền, đâu đó 20-25% tài sản quỹ. Cho dù kịch bản thị trường tốt xảy ra, chúng ta vẫn theo kịp nhờ vào 75-80% lượng cổ phiếu, thậm chí vượt thị trường một cách tương đối.

    Chúng tôi vẫn tránh đầu tư vào những cổ phiếu đang trong thị hiếu của đám đông như ngân hàng, bất động sản và vật liệu xây dựng…Với quan điểm thận trọng về nền kinh tế nói chung và chứng khoán nói riêng, danh mục sẽ tập trung vào các ngành nghề phòng thủ như: điện, nước, dược phẩm, thực phẩm… Nếu kịch bản xấu xảy ra, nền kinh tế khó khăn sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của hầu hết các công ty, nhưng tác động đến ngành nghề phòng thủ ít hơn. Người dân vẫn phải chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu. Đây cũng là cơ hội để nhóm công ty này bứt phá so với các đối thủ có cơ cấu tài chính yếu.

    Nhìn chung, chúng tôi cho rằng năm 2024 sẽ là một năm tiếp tục khó lường, thậm chí còn khó đoán hơn cả năm 2023. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng làm điều hợp lý nhất với một thái độ hoài nghi và thận trọng để đảm bảo giá trị tài sản cho các nhà đầu tư.

    Theo: Valueway 10/01/2024

    Leave a Reply