Skip to content

Cổ phiếu Quỹ

    Gần đây, thị trường đã có nhiều phiên đỏ lửa, nguyên nhân được phần đông nhận định là do e ngại về dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới làm kinh tế kém khả quan hơn, tâm lý dè chừng của cả nhà đầu tư ngoại lẫn nội. Đà giảm điểm của nhiều cổ phiếu thậm chí bắt đầu từ trước đó, có cổ phiếu lao dốc hơn 50% tính từ đỉnh gần nhất. Có thể do “hiệu ứng mỏ neo”, chúng ta thấy nhiều cổ phiếu có vẻ rẻ hơn, hấp dẫn hơn. Nhiều công ty đang rục rịch lên chương trình mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, gọi nhanh là mua cổ phiếu quỹ. Nhưng không nhiều nhà đầu tư hiểu rõ cổ phiếu quỹ là gì, tác động như thế nào, thời điểm phù hợp để công ty mua lại. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu thêm về nó.

    Theo định nghĩa, cổ phiếu quỹ (CPQ) là cổ phiếu mà chính công ty phát hành mua lại và nắm giữ như các NDT bình thường khác. Nhưng cổ phiếu này không được tính vào số cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, ngay sau khi mua, nó không được tính vào bất cứ điều gì của công ty. Không được tính vào EPS, không được trả cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu, không có quyền biểu quyết.

    CPQ có phải Tài sản không? Câu trả lời cũng là không. Công ty đã dùng 1 phần nguồn vốn, có thể từ Lợi nhuận chưa phân phối hay thặng dư vốn cổ phần để mua lại, làm giảm lượng Tài sản tiền mặt tương ứng. Chính vì vậy, nếu công ty hủy CPQ cũng không thay đổi bất cứ con số nào trong báo cáo tài chính, ngoại trừ chính số lượng CPQ đó.


    CPQ có được dùng để chia cổ tức?
    CPQ chắc chắn không được chia cổ tức. Nhưng việc có thể chia cổ tức bằng CPQ cho cổ đông hiện hữu hay không thì còn nhiều tranh cãi. Gần đây chuẩn mực kế toán của các nước đã bắt đầu đồng ý và tạo điều kiện cho việc chia cổ tức bằng CPQ. Vì sao CPQ không phải là tài sản của công ty, cũng không được lưu hành, lại có thể được dùng để chia cổ tức? Đơn giản, ta có thể đối xử với CPQ như cổ phiếu mới được phát hành thêm. Cả hai vốn cũng xuất phát từ ” hư vô”. Chỉ cần có đủ nguồn vốn đối ứng cho việc tăng vốn điều lệ. Nếu công ty bán CPQ ra ngoài thị trường lại, giống như việc công ty bán ra đợt phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ. Nếu công ty thưởng hay bán ưu đãi cho CB-CNV bằng CPQ, giống như việc công ty ESOP cho CB-CNV từ cổ phiếu phát hành thêm với giá ưu đãi. Cả 2 trường hợp này không cần điều chỉnh giá vào ngày thực hiện. Xét đến chia cổ tức bằng CPQ thì cũng như là chia cổ tức bằng CP với tỉ lệ nhất định. Hai việc này đều làm tăng vốn điều lệ và làm vốn chủ sở hữu không thay đổi.Cũng như không làm thay đổi tỉ lệ nắm giữ của cổ đông hiện hữu. Việc thay đổi tỉ lệ nắm giữ đã xảy ra ngay lúc công ty mua lại CPQ. Có chăng việc trả cổ tức bằng CPQ chỉ xác lập lần nữa phần trăm sở hữu của các cổ đông hiện tại vì công ty không còn có thể bán CPQ này ra bên ngoài. Chính xác thì việc chia cổ tức bằng CPQ tương đương thực hiện qua 2 bước: hủy CPQ và sau đó chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nhưng công ty sẽ tốn thời gian và công sức hơn trong khi có thể gộp 2 bước đó lại mà không thay đổi kết quả gì. Từ hiểu biết trên, đến ngày GDKHQ, việc trả cổ tức bằng CPQ, thị giá cũng cần được điều chỉnh lại tương ứng theo tỉ lệ.

    CPQ thường được mua lại khi nào?

    Một là, công ty muốn xốc lại cổ phiếu đang tụt giá không phanh, thậm chí đôi khi chỉ cần ra tin để trấn an nhà đầu tư cũng góp phần chặn đứng đà giảm giá. Nhưng xài “võ mồm” nhiều lần sẽ làm mất đi lòng tin của nhà đầu tư.

    Hai là, cổ phiếu không giảm nhưng cổ đông vẫn tạo sức ép lên Ban lãnh đạo mua CPQ nhằm nâng giá cổ phiếu. Sự sinh lời này hoặc được chốt hoặc chỉ để vẽ lợi nhuận trên sổ sách nhằm làm đẹp vài báo cáo nào đó.

    Ba là, cổ phiếu đi ngang nhưng thanh khoản kém, công ty muốn tạo sóng bằng tin tức, đẩy giá, tạo cung cầu thì cũng mua CPQ.
    Một khi vị lãnh đạo không hiểu rõ giá trị công ty, không có lập trường vững vàng trước sức ép của cổ đông, mục đích của ba trường hợp trên sẽ tàn phá giá trị của công ty rất lớn. Nó chỉ có thể tạo sóng ngắn hạn. Về lâu về dài, công ty yếu kém thì vẫn không thể nào đỡ nổi lực thị trường. Đôi khi, cổ đông còn cần nghi ngờ tính minh bạch của giao dịch CPQ. Vì CPQ có thể được mua lại qua phương thức khớp lệnh hay thỏa thuận. Nếu mua lại bằng giao dịch thỏa thuận chiếm phần lớn thì cần đặt ra câu hỏi: Có hay không việc mua CPQ giúp một cổ đông nào đó thoát ra với giá tốt bằng tiền của công ty. Khi thực sự sau đó, cổ phiếu lao giảm giá liên tục.

    Trường hợp bốn, khi công ty có lượng tiền nhàn rỗi mà chưa có dự án đầu tư mới và hoạt động kinh doanh lại đang có chiều hướng tốt. Việc đầu tư vào chính mình mang hiệu quả cao cho đồng vốn. Điều này đòi hỏi lãnh đạo phải có tính toán và hiểu đúng về giá trị thật của công ty, tin rằng cổ phiếu đang bị Thị trường đánh giá quá thấp. Như vậy người lãnh đạo không chỉ có năng lực quản trị kinh doanh mà còn có khả năng phân bổ nguồn vốn hiệu quả. Nếu người lãnh đạo có cái nhìn sâu rộng về đầu tư cổ phiếu, đó sẽ là một lợi thế cho cổ đông của công ty. Vì họ là những người trực tiếp vận hành công ty, tiếp xúc với công việc hàng ngày, hiểu và cảm nhận rõ nhất về giá trị công ty.

    Ngoài ra, còn có một trường hợp mua CPQ nhưng không phổ biến ở Việt Nam, đó là nhằm mục đích chống thâu tóm “thù địch”. Khi bị 1 công ty đối thủ hay 1 tổ chức có ý định thâu tóm mà ban lãnh đạo thấy việc thâu tóm này sẽ không mang lại lợi ích cho công ty mình. Thì khi đó, ban lãnh đạo sẽ đưa ra phương án chào mua CPQ. Nhằm nâng cao giá cổ phiếu, giảm lượng cổ phiếu của những cổ đông dễ lung lay trước mức giá hấp dẫn. Đối thủ muốn gom cũng tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn. Thậm chí, nếu không gom đủ lượng cổ phiếu cần thiết để thâu tóm thành công, hậu quả sẽ rất nặng nề. Như vậy, việc ra quyết định mua CPQ như một biện pháp phòng thủ và là tín hiệu cho đối thủ biết. Nhưng cuộc chiến này khá đắt đỏ và nhiều khả năng không mang lại giá trị thực sự cho cổ đông.

    Trả cổ tức hay mua CPQ?

    Như đã phân tích trước đó, khi công ty có lượng tiền nhàn rỗi mà không có kế hoạch đầu tư khác, việc phân bổ vốn hợp lý là điều vô cùng quan trọng. Nếu ban lãnh đạo đang cân nhắc giữa việc trả cổ tức hay mua CPQ thì họ cần xét đến 2 yếu tố:

    1) Cổ phiếu đang bị đánh giá thấp dưới giá trị thực hay không?

    2) Công bằng với mọi cổ đông hay không? Nhiều công ty không trả cổ tức trong thời gian dài cho dù lượng tiền mặt dồi dào mà không đưa ra một lý do cụ thể nào với cổ đông. Cổ đông nhỏ lẻ bị kìm kẹp trong một cổ phiếu không tăng giá cũng không trả cổ tức. Chờ đợi quá lâu khiến họ chán nản bán ra với giá rẻ mạt. Lúc này cổ đông lớn hoặc công ty ra sức mua vào lại với giá hời. Như vậy CPQ không đảm bảo tính công bằng, thậm chí là ăn cướp trắng trợn của một nhóm lợi ích đã chiếm quyền kiểm soát tài sản của công ty. Công bằng là khi công ty đã đồng thuận với nhau về mục đích giữ lại hay phân phối lợi nhuận một cách hợp lý nhưng vẫn bị thị trường đánh giá thấp, việc mua CPQ sau đó chắc chắn làm thõa mãn nhiều bên. Nếu cùng một lượng tiền bỏ ra thì việc mua CPQ có lẽ sẽ có lợi hơn khi Cổ đông tránh phải đóng thuế thêm lần nữa, hàng năm. Lợi ích này được tích lũy dài hạn khi mà giá trị cổ phiếu tăng dần. Áp lực trả cổ tức vào các năm sau cũng giảm bớt.

    Tóm lại, kế hoạch mua CPQ là rất linh hoạt, phụ thuộc nhiều vào khả năng phân bổ vốn của lãnh đạo, trong khi nó chưa được quan tâm đúng mức. Các khóa học đào tạo nhân lực đa phần dạy về quản trị, kinh doanh, marketing,… nhưng lại ít đề cập đến phân bổ nguồn vốn. Đó sẽ là thiếu sót vô cùng lớn. Như Warren Buffett đã từng nói “điều này giống như bước cuối cùng cho một nhạc sĩ vô cùng tài năng không phải để trình diễn ở Hội trường Carnegie, mà thay vào đó, lại được cử làm Chủ tịch FED”.

    Theo: Sam – Valueway

    Leave a Reply