Skip to content

Sự thông thái trường tồn của Graham và Dodd – (Phần 3)

    Trong bối cảnh Đại khủng hoảng, thị trường và kinh tế Mỹ cực kỳ rủi ro. Các xu hướng đi xuống của giá cổ phiếu và hoạt động kinh doanh ập đến bất ngờ, có thể nghiêm trọng và kéo dài. Tình huống này thường khuất phục những người lạc quan nhất. Chiến thắng, theo nghĩa nào đó, là không bị mất tiền. Nhà đầu tư có thể đạt được biên độ an toàn bằng cách mua các cổ phiếu doanh nghiệp với chiết khấu cao so với giá trị cơ sở của nó, và họ cần biên độ an toàn vì tất cả mọi thứ có thể sẽ diễn biến xấu.

    ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ NGÀY NAY

    Thậm chí trong trường hợp thị trường diễn biến xấu nhất, Graham và Dodd vẫn tin tưởng nguyên tắc của mình, bao gồm quan điểm rằng kinh tế và thị trường đôi khi sẽ trải qua các chu kỳ đau khổ và kéo dài. Trong những ngày đen tối đó, họ vẫn tin tưởng rằng kinh tế và thị trường cổ phiếu sẽ tăng trở lại: “Khi đang viết cuốn sách này, chúng tôi phải đấu tranh với kết luận rằng tình trạng sụp đổ tài chính sẽ tồn tại lâu dài”.

    Tất nhiên, tương tự với việc đối đầu với các chu kỳ giảm khi kết quả kinh doanh đi xuống và cổ phiếu giá rẻ trở nên rẻ hơn, nhà đầu tư cũng trải qua các giai đoạn tăng trưởng khi các món hời trở nên hiếm hoi và vốn đầu tư thì dư dả. Vài năm trở lại đây, thị trường tài chính tăng trưởng rất tốt theo cái nhìn từ tiêu chuẩn lịch sử, thu hút lượng lớn vốn mà các quản lý cần. Ngày nay, một phần không nhỏ của lượng vốn đó – hàng nghìn tỷ đôla tính trên phạm vi toàn cầu – được đầu tư theo cách tiếp cận giá trị. Các đơn vị này bao gồm nhiều công ty đầu tư tài sản và các quỹ tương hỗ theo phương pháp giá trị, một số trong khoảng 9000 quỹ phòng hộ, quỹ đầu tư trường đại học và văn phòng đầu tư giá trị lớn nhất trên thế giới.

    Điều quan trọng cần ghi nhớ là không phải tất cả nhà đầu tư giá trị đều giống nhau. Trong bài viết “Nhà đầu tư siêu đẳng theo phương pháp Graham và Dodd”, Buffett miêu tả nhiều nhà đầu tư giá trị thành công và họ ít khi sở hữu danh mục đầu tư giống nhau. Vài nhà đầu tư giữ các cổ phiếu mờ mịt, “cổ phiếu giấy hồng” (hay cổ phiếu OTC), trong khi những người khác tập trung vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Vài người đầu tư trên phạm vi toàn cầu, trong khi những người khác chỉ tập trung vào một thị trường như năng lượng hay bất động sản.

    Vài người chạy các chương trình máy tính để tìm ra các doanh nghiệp rẻ bằng thống kê, trong khi những người khác đánh giá “giá trị thị trường vốn tư nhân” (private market value) – giá trị mà doanh nghiệp trong ngành sẽ bỏ ra để mua toàn bộ công ty. Vài người năng động luôn nỗ lực tìm kiếm thông tin thay đổi doanh nghiệp, trong khi những người khác tìm kiếm các chứng khoán bị định giá thấp, có sẵn chất xúc tác như chia tách, bán tài sản, kế hoạch mua lại nhiều cổ phiếu, ban quản trị mới để vốn hóa một phần hoặc toàn bộ giá trị cơ sở. Và tất nhiên giống như bất kỳ ngành nghề nào, sẽ có vài nhà đầu tư giá trị tài năng hơn những người khác.

    Nhìn chung, cộng đồng đầu tư giá trị không còn là nhóm nhỏ như vài thập kỷ trước nữa. Môi trường cạnh tranh có ảnh hưởng mạnh mẽ lên tính hiệu quả và cách định giá sai của thị trường. Với số lượng nhà đầu tư dư dả về vốn và đầy kỹ năng ngày nay, viễn cảnh tương lai của nhà đầu tư giá trị sẽ ra sao? Sẽ tốt hơn kỳ vọng của bạn, vì nhiều lý do. Đầu tiên, thậm chí dù cộng đồng đầu tư giá trị đang phát triển, ngày càng nhiều hơn những người tham gia thị trường không đi theo, hay chỉ đi theo đôi chút định hướng đầu tư giá trị. Hầu hết các nhà quản lý, bao gồm các nhà đầu tư theo tăng trưởng và theo chu kỳ tuần hoàn cũng như nhà đầu tư theo chỉ số thị trường, rất ít hoặc không ai chú ý đến tiêu chí giá trị. Thay vào đó, họ tập trung hầu như toàn bộ tâm trí vào tỷ lệ tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp, các diễn biến thay đổi giá cổ phiếu, hoặc đơn giản hơn là tăng giảm theo chỉ số thị trường.

    Thứ hai, hầu như tất cả những nhà quản lý đầu tư ngày nay, bao gồm vài nhà đầu tư giá trị không may mắn, chịu áp lực đạt hiệu quả (thực sự hoặc do tưởng tượng) khi quản lý các công ty đầu tư phải làm sao cho ra lợi nhuận trong khoảng thời gian ngắn đến vô lý: một quý, một tháng hay thậm chí ít hơn. Chiến lược đầu tư giá trị thường không hữu ích với những nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn, vì đòi hỏi thời gian để khoản đầu tư có thể sinh lời.

    Cuối cùng, bản chất con người không bao giờ thay đổi. Sự điên loạn của thị trường tài chính thường xuất hiện ở quy mô lớn: Thị trường cổ phiếu Nhật bản vào cuối thập niên 1980, thị trường cổ phiếu Internet và công nghệ trong năm 1999 và 2000, thị trường cho vay nợ dưới chuẩn vào năm 2006 và 2007, hiện tại là các lựa chọn đầu tư thay thế. Nhà đầu tư sẽ luôn khó khăn khi đi ngược lại trào lưu chung. Thậm chí, các nhà đầu tư giỏi cũng trở nên bối rối khi thị trường liên tục gửi thông điệp rằng họ đang sai. Áp lực đó rất lớn, nhiều nhà quản lý đầu tư sợ rằng họ sẽ mất công việc kinh doanh của mình nếu đứng quá xa đám đông. Vài người cũng thất bại trong việc theo đuổi đầu tư giá trị vì tự còng tay mình (hoặc do khách hàng) bằng những ràng buộc ngăn cản họ mua cổ phiếu giá bán thấp, cổ phiếu vốn hóa nhỏ, cổ phiếu của doanh nghiệp không chi trả cổ tức hoặc đang thua lỗ, hoặc các công cụ nợ nằm dưới mức xếp hạng đầu tư. Rất nhiều người cũng sử dụng các kỹ thuật như “làm đẹp“ danh mục đầu tư vào cuối quý hoặc bán những cổ phiếu không tăng giá (dù chúng bị đinh giá thấp), mua thêm những cổ phiếu tăng giá (dù chúng được định giá cao). Tất nhiên, với nhà đầu tư giá trị thực sự định hướng dài hạn, đó là điều tuyệt vời khi rất nhiều đối thủ tiềm năng bị loại khỏi cuộc chơi bởi những ràng buộc khiến họ không thể cạnh tranh hiệu quả.

    Theo: Seth Klarman – Phân tích chứng khoán 6th Edition

    Leave a Reply