Skip to content

Thư thường niên Berkshire 2021 (Phần I)

    Kính gửi các Cổ đông của Berkshire Hathaway Inc.:

    Charlie Munger, đối tác lâu năm của tôi và tôi có nhiệm vụ quản lý một phần tiền tiết kiệm của bạn. Chúng tôi vinh dự bởi sự tin tưởng của bạn.

    Chúng tôi có trách nhiệm báo cáo cho bạn những gì mà ngay cả chính chúng tôi cũng muốn biết nếu bản thân mình đóng vai trò là cổ đông và mong muốn trao đổi trực tiếp thông qua lá thư hàng năm này cũng như qua các cuộc họp thường niên.

    Chính sách của chúng tôi là đối xử bình đẳng với tất cả các cổ đông. Do đó, chúng tôi không thảo luận riêng với các nhà phân tích cũng như các thể chế. Bất cứ khi nào có thể, chúng tôi sẽ gửi đi các thông báo quan trọng vào sáng thứ Bảy để tối đa hóa thời gian giúp các vị cổ đông và giới truyền thông tiếp nhận tin tức trước khi thị trường mở cửa vào thứ Hai.

    Rất nhiều sự kiện và số liệu của Berkshire được trình bày trong báo cáo 10-K hàng năm mà công ty nộp cho S.E.C. và chúng tôi sao chép trên các trang K-1 – K-119. Một số cổ đông sẽ thấy chi tiết này hấp dẫn; số khác thì thích tìm hiểu những gì Charlie và tôi cho là mới hoặc thú vị ở Berkshire.

    Than ôi, có rất ít hành động như vậy vào năm 2021. Tuy nhiên, chúng tôi đã đạt được bước tiến thỏa đáng trong việc tăng giá trị nội tại cho cổ phần của bạn. Nhiệm vụ đó là bổn phận căn bản của tôi trong 57 năm qua. Và nó sẽ tiếp tục như vậy.

    Bạn đang sở hữu những gì?

    Berkshire sở hữu rất nhiều doanh nghiệp, một số thì toàn bộ, số khác thì một phần. Nhóm thứ hai phần lớn bao gồm các cổ phiếu phổ thông trên thị trường của các công ty lớn ở Mỹ. Ngoài ra, chúng ta sở hữu một ít vốn cổ phần không thuộc Hoa Kỳ và tham gia vào một số liên doanh hoặc các hoạt động hợp tác khác.

    Dù hình thức sở hữu của chúng ta là gì, mục tiêu của chúng ta là những khoản đầu tư đúng đắn vào các doanh nghiệp vừa có lợi thế kinh doanh bền vững vừa có một CEO ưu tú. Xin lưu ý đặc biệt rằng chúng ta sở hữu cổ phiếu dựa trên kỳ vọng về hiệu quả kinh doanh dài hạn chứ không phải chúng ta coi chúng là phương tiện cho những biến động nhất thời của thị trường. Điểm này rất quan trọng: Charlie và tôi không phải là những người chọn cổ phiếu mà chúng tôi là những người chọn doanh nghiệp.

    Tôi đã mắc một vài sai lầm. Vì vậy, bộ sưu tập các doanh nghiệp của chúng ta gồm một số doanh nghiệp có tình hình tài chính phi thường, số khác thì có tài chính tương đối tốt, và vẫn tồn tại một số ít nằm ngoài đường biên. Một lợi thế của việc mua cổ phiếu phổ thông là đôi khi, chúng ta dễ dàng mua từng phần nhỏ của doanh nghiệp tuyệt vời với mức giá tuyệt vời. Trải nghiệm thú vị  “vợt cá trong thùng phuy” như thế rất hiếm có trong các cuộc đàm phán giao dịch và không bao giờ xảy ra thường xuyên. Việc thoát khỏi sai lầm cũng dễ dàng hơn nhiều khi nó được thực hiện trong một thị trường mở.

    Bất ngờ và bất ngờ

    Dưới đây là một vài điều về công ty chúng ta thường gây ngạc nhiên, thậm chí cho cả những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm:

    1. Nhiều người coi Berkshire như một tập đoàn sở hữu bộ sưu tập tài sản đồ sộ và có phần kỳ lạ. Hiện nay, đúng là Berkshire đang sở hữu và vận hành nhiều tài sản dạng “cơ sở hạ tầng” có trụ sở tại Hoa Kỳ ( cơ sở hạ tầng được phân loại trên bảng cân đối kế toán như bất động sản, nhà máy và thiết bị) hơn bất kỳ tập đoàn nào khác ở Mỹ. Cái uy danh tối cao đó chưa bao giờ là mục tiêu của chúng ta. Tuy nhiên, nó lại trở thành sự thật.

    Vào cuối năm, những tài sản “cơ sở hạ tầng” trong nước được ghi trên bảng cân đối kế toán của Berkshire ở mức 158 tỷ USD.

    Con số đó đã tăng vào năm ngoái và sẽ tiếp tục tăng. Berkshire sẽ luôn luôn vun đắp.

    2. Hàng năm, công ty của chúng ta thực hiện các khoản thanh toán thuế thu nhập liên bang đáng kể. Ví dụ, vào năm 2021, chúng ta đã thanh toán 3,3 tỷ USD trong khi tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà Kho bạc Hoa Kỳ báo cáo thu được là 402 tỷ USD.

    Ngoài ra, Berkshire còn đóng các khoản thuế đáng kể cho tiểu bang và nước ngoài. “Tôi thực hiện nghĩa vụ đầy đủ” là một khẳng định miễn bàn bởi các cổ đông Berkshire.

    Lịch sử của Berkshire minh họa một cách sinh động mối quan hệ đối tác tài chính một cách vô hình, ít khi được công nhận giữa chính phủ với một doanh nghiệp Mỹ. Câu chuyện của chúng ta bắt đầu từ đầu năm 1955, khi hai doanh nghiệp Berkshire Fine Spinning và Hathaway Manufacturing đồng ý tiến hành sáp nhập. Trong các yêu cầu để nhận được sự chấp thuận của cổ đông, những công ty dệt may lâu đời ở New England thể hiện kỳ vọng lớn để được hợp nhất. Ví dụ, Ủy ban thúc đẩy của Hathaway đã đảm bảo với cổ đông của mình rằng “Sự kết hợp giữa các nguồn lực và sự quản lý sẽ tạo nên một trong những tổ chức mạnh nhất, hiệu quả nhất trong ngành công nghiệp dệt may.” Quan điểm lạc quan đó còn được các cố vấn của công ty xác nhận, vâng đó chính là Lehman Brothers. Tôi chắc rằng đó là một ngày vui vẻ ở cả Fall River (Berkshire) và New Bedford (Hathaway) khi việc hợp nhất được hoàn thành. Tuy nhiên, khi nhạc dừng chơi và các nhân viên ngân hàng ra về, cổ đông lại nhận lấy một thảm họa.

    Trong 9 năm sau vụ sáp nhập, cổ đông Berkshire chứng kiến giá trị tài sản ròng của công ty sụt giảm từ 51,4 triệu USD về 22,1 triệu USD. Một phần, sự suy giảm là do mua lại cổ phiếu, trả cổ tức bừa bãi và đóng cửa nhà máy. Nhưng 9 năm nỗ lực của hàng ngàn nhân viên cũng đã mang lại một khoản lỗ hoạt động. Khó khăn của Berkshire chẳng phải điều lạ: Ngành dệt may ở New England đã âm thầm bước vào “giai đoạn tử thần” kéo dài và không thể đảo ngược. Trong 9 năm đó, chính Kho bạc Hoa Kỳ cũng phải chịu đựng những rắc rối của Berkshire. Tính chung, công ty chỉ trả cho chính phủ 337.359 USD tiền thuế thu nhập trong khoảng thời gian đó – tương đương mức thảm hại 100 USD một ngày.

    Đầu năm 1965, mọi thứ đã thay đổi. Berkshire bổ nhiệm ban quản lý mới. Họ cơ cấu lại tiền mặt sẵn có. Về cơ bản, họ đã điều hướng tất cả thu nhập vào nhiều hoạt động kinh doanh tốt, hầu hết trong số đó đều hoạt động tốt suốt nhiều năm. Việc kết hợp tái đầu tư thu nhập cùng sức mạnh của lãi kép đã phát huy tác dụng kỳ diệu và cổ đông trở nên giàu có. Cần lưu ý rằng cổ đông Berkshire không phải những người hưởng lợi duy nhất từ sự điều chỉnh đường lối đó. “Đối tác âm thầm” của họ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đã thu được hàng chục tỷ đô la thuế thu nhập từ công ty. Còn nhớ 100 USD thê thảm trong một ngày? Tuy nhiên, giờ đây, Berkshire đã trả khoảng 9 triệu USD mỗi ngày cho Kho bạc.

    Với đối tác chính phủ, công bằng mà nói, chúng ta nên thừa nhận – đúng ra là nên hoan hỉ – rằng sự thịnh vượng của Berkshire được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ công ty hoạt động ở Mỹ. Chính đất nước của chúng ta đã và đang làm nên những điều tuyệt vời từ những năm 1965 mà chẳng cần có Berkshire. Tuy nhiên, ngược lại, nếu không có ngôi nhà Mỹ, Berkshire sẽ không bao giờ đạt được như ngày nay. Khi bạn nhìn thấy quốc kỳ Mỹ, xin hãy nói “Cảm ơn”.

    3. Từ thương vụ mua lại National Indemnity trị giá 8,6 triệu USD vào năm 1967, Berkshire đã trở thành công ty hàng đầu thế giới về khoản tiền “thả nổi” từ bảo hiểm – số tiền mà chúng ta không sở hữu nhưng lại tự do nắm giữ và đầu tư. Từ một phần tương đối nhỏ số tiền thu được từ bảo hiểm nhân thọ, tổng số tiền “thả nổi” của Berkshire đã tăng trưởng từ 19 triệu USD khi chúng ta bắt đầu tham gia kinh doanh bảo hiểm lên đến 147 tỷ USD.

    Cho đến nay, chi phí cho khoản thả nổi này còn nhỏ hơn con số 0. Mặc dù trải qua một vài năm, ngành bảo hiểm thua lỗ kết hợp với việc chi phí hoạt động vượt quá khoản phí bảo hiểm, nhưng nhìn chung, chúng ta vẫn kiếm được một khoản lợi nhuận nho nhỏ trong 55 năm qua, từ các hoạt động bảo lãnh phát hành.

    Cũng quan trọng không kém, khoản thả nổi là rất bền vững. Lượng vốn đóng góp vào hoạt động bảo hiểm của chúng ta liên tục đến và đi, nhưng tính tổng số lại không bị suy giảm đáng kể. Do đó, khi nói đến việc đầu tư từ khoản thả nổi, chúng ta có khả năng suy nghĩ cho dài hạn.

    Nếu bạn chưa quen với khái niệm “khoản thả nổi”, tôi giới thiệu cho bạn phần giải thích dài trong trang A5. Thật ngạc nhiên, số tiền thả nổi của chúng ta đã tăng thêm 9 tỷ USD vào năm ngoái, một sự tích lũy giá trị rất quan trọng đối với các cổ đông Berkshire nhưng lại không được phản ánh trong báo cáo thu nhập và tài sản ròng GAAP (nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung).

    Phần lớn việc tạo ra giá trị khổng lồ trong lĩnh vực bảo hiểm là nhờ Berkshire may mắn thuê được Ajit Jain. Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên vào một buổi sáng thứ bảy, tôi nhanh chóng hỏi Ajit kinh nghiệm bảo hiểm của anh ấy là gì. Anh ấy trả lời, “Không có.” Tôi nói, “Không ai hoàn hảo,” và thuê anh ấy. Đó là ngày may mắn của tôi: Ajit thực sự là một sự lựa chọn hoàn hảo nhất có thể. Còn tốt hơn nữa, anh ấy vẫn tiếp tục làm việc – 35 năm sau.

    Một suy nghĩ cuối cùng về bảo hiểm: Tôi tin rằng hầu như– nhưng còn lâu mới chắc chắn – khoản thả nổi của Berkshire có thể được duy trì cân bằng bất chấp có gánh chịu những tổn thất trong bảo lãnh phát hành dài hạn. Tuy nhiên, tôi cũng chắc chắn rằng sẽ có lúc chúng ta phải trải qua một số năm tổn thất, có lẽ do tổng tiền bảo hiểm là rất lớn. Berkshire được thiết lập để xử lý các sự kiện thảm khốc mà không công ty bảo hiểm nào khác có được – và ưu tiên đó sẽ còn tồn tại lâu dài sau khi Charlie và tôi mất.

    Bốn người khổng lồ của chúng ta

    Thông qua Berkshire, các cổ đông sở hữu hàng chục doanh nghiệp. Lần lượt, một số trong đó lại có một tập hợp các công ty con của chính họ. Ví dụ: Marmon có hơn 100 hoạt động kinh doanh riêng lẻ, từ cho thuê toa xe lửa đến sản xuất thiết bị y tế. Tuy nhiên, hoạt động của các công ty “Big Four” của chúng ta chiếm một phần rất lớn trong giá trị Berkshire.

    1. Dẫn đầu danh sách là nhóm công ty bảo hiểm. Berkshire thực sự sở hữu 100% nhóm này. Giá trị lớn từ khoản thả nổi của chúng đã được mô tả trước đó. Tài sản đầu tư của các công ty bảo hiểm này còn được mở rộng hơn nữa bởi số vốn chúng ta đầu tư thêm để hỗ trợ cho cam kết của họ.

    Hoạt động kinh doanh bảo hiểm được thực hiện theo đơn đặt hàng của Berkshire. Sản phẩm sẽ không bao giờ lỗi thời và nhìn chung, doanh số bán hàng sẽ tăng lên theo tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Ngoài ra, tính liêm chính và bảo toàn vốn sẽ luôn được coi trọng. Công ty chúng ta có thể và sẽ luôn cư xử tốt.

    Tất nhiên, luôn có những công ty bảo hiểm khác với mô hình kinh doanh và triển vọng xuất sắc. Tuy nhiên, copy mô hình hoạt động của Berkshire gần như là không thể.

    2. Apple – Người khổng lồ thứ hai của chúng ta, tính theo vốn hóa thị trường cuối năm. Ở đây, quyền sở hữu của chúng ta chỉ là 5,55%, tăng từ 5,39% một năm trước đó. Sự gia tăng đó trông giống như những củ khoai tây bé nhỏ. Nhưng hãy xét rằng mỗi 0,1% thu nhập năm 2021 của Apple lên tới 100 triệu đô la. Chúng ta không sử dụng vốn của Berkshire để đạt được sự tích lũy đó mà chính việc mua lại cổ phiếu quỹ của Apple đã làm.

    Điều quan trọng là biết rằng chỉ có cổ tức từ Apple mới được tính vào báo cáo thu nhập Berkshire theo GAAP – và năm ngoái, Apple đã trả cho chúng ta 785 triệu USD. Tuy nhiên, thu nhập “cổ phần” của chúng ta từ Apple lại lên tới con số đáng kinh ngạc: 5,6 tỷ USD. Phần lớn những gì Apple giữ lại đã được sử dụng để mua cổ phiếu quỹ, một hành động chúng ta vô cùng hoan nghênh. Tim Cook, CEO tài giỏi của Apple, khá đúng đắn khi trân trọng người dùng sản phẩm Apple như chính mối tình đầu tiên của anh ấy. Tất cả các khu vực khác cũng được hưởng lợi từ sự quản lý giỏi của Tim.

    3. BNSF, Người khổng lồ thứ ba của chúng ta, tiếp tục là huyết mạch số một của thương mại Hoa Kỳ, khiến nó trở thành một tài sản không thể thiếu đối với nước Mỹ cũng như đối với Berkshire. Nhiều sản phẩm thiết yếu mà BNSF đang vận chuyển, nếu được thay thế bằng xe tải, lượng khí thải carbon của Mỹ sẽ tăng vọt.

    Công ty Đường sắt của các bạn có thu nhập kỷ lục là 6 tỷ USD vào năm 2021. Cần lưu ý rằng đây là loại thu nhập điển hình mà chúng ta ưa thích: một con số sau khi đã tính lãi, thuế, khấu hao và các hình thức hoàn phí khác. (Định nghĩa này giúp chúng ta được cảnh báo: Những “điều chỉnh” gian dối đối với thu nhập đã trở nên thường xuyên hơn và ảo diệu hơn, đặc biệt khi chứng khoán tăng giá. Nói một cách ít lịch sự hơn, thị trường giá lên dễ tạo ra hiện tượng thổi giá. . ..)

    Các tàu BNSF đã đi 143 triệu dặm và chở 535 triệu tấn hàng hóa năm ngoái. Cả hai thành tích vượt xa bất kỳ hãng tàu Mỹ nào khác. Bạn có thể tự hào về hãng tàu của mình.

    4. BHE, Người khổng lồ cuối cùng của chúng ta, đã kiếm được mức kỷ lục 4 tỷ USD vào năm 2021. Con số này tăng hơn 30 lần so với mức 122 triệu USD kiếm được vào năm 2000, năm đầu tiên mua cổ phiếu BHE. Giờ đây, Berkshire sở hữu 91,1% cổ phần công ty. Hồ sơ về thành tựu xã hội của BHE cũng đáng chú ý giống như thành tựu tài chính. Công ty không có năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời vào năm 2000. Khi đó nó được coi là một thành phần tương đối mới và thứ yếu trong ngành công nghiệp tiện ích năng lượng khổng lồ. Sau đó, dưới sự lãnh đạo của David Sokol và Greg Abel, BHE đã trở thành một nhà máy điện tiện ích, hàng đầu về điện gió, điện mặt trời, về truyền tải trên khắp nước Mỹ.

    Báo cáo của Greg về những thành tựu này xuất hiện trên các trang A-3 và A-4. Bạn sẽ nhận thấy Hồ sơ không giống bất kỳ một trong những câu chuyện “tẩy xanh” đang thịnh hành ở các công ty hiện nay. (*Báo cáo “Tẩy xanh”: Báo cáo của các công ty ra vẻ mình bảo vệ môi trường nhưng lại đang che đậy các hành động phá hoại môi trường (ND)). BHE đã trình bày chi tiết một cách trung thực kế hoạch và hiệu suất trong năng lượng tái tạo và truyền tải hàng năm kể từ 2007.

    Để xem thêm thông tin này, hãy truy cập trang web của BHE tại brkenergy.com. Ở đó, bạn sẽ thấy rằng công ty từ lâu đã thực hiện các động thái có ý thức về khí hậu trong việc kiếm thu nhập. Nhiều cơ hội nằm phía trước. BHE có trình độ quản lý, kinh nghiệm, nguồn vốn và tâm huyết với các dự án điện lớn mà nước ta cần.

    Còn tiếp…04/03/2023

    Leave a Reply