Skip to content

Đa dạng và tập trung

    Sai lầm là một thuộc tính gắn liền với hoạt động đầu tư. Không có nhà đầu tư nào có thể đúng 100% trong tất cả các lần ra quyết định. Ngay cả những nhà đầu tư nổi tiếng bởi kết quả xuất sắc trong một thời gian dài cả thập kỷ cũng vẫn mắc phải những sai lầm đáng kể trong sự nghiệp đầu tư của mình. Buffett vẫn thường nhắc đến việc mua Berkshire như một quyết định sai lầm của mình. Với quyết định mua Berkshire ông đã mất nhiều năm để nỗ lực tinh gọn cơ cấu tổ chức, cải thiện hoạt động, nhưng cuối cùng vẫn phải đóng cửa hoàn toàn các nhà máy dệt của Berkshire. Một số sai lầm khác hay được Buffet nhắc đến như việc Ông đã hạ thấp các tiêu chuẩn để mua Hochschild-Kohn hay hời hợt trong phân tích, không đánh giá đúng tác động của chi phí nên đã mua US Air.

    Đầu tư là không chắc chắn nên sai lầm là khó tránh khỏi. Vệc phân bổ DMĐT một cách hợp lý giúp chúng ta hạn chế tác động của những lựa chọn sai, đảm bảo rằng dù có xảy ra một tỷ lệ sai nhất định nhưng về tổng thể DMĐT vẫn đạt được lợi nhuận tương xứng với rủi ro mà ta đã chấp nhận.  

    Không phải beta hay những chỉ số tính toán phức tạp của lý thuyết tài chính hiện đại. Kết quả của một DMĐT chịu tác động bởi các yếu tố: (1) Tỷ lệ vốn phân bổ trên mỗi khoản đầu tư; (2) Tỷ lệ số khoản đầu tư có lợi nhuận / bị thua lỗ; (3) Tỷ lệ % lợi nhuận / thua lỗ của mỗi khoản đầu tư;  (4) Thời gian tính.

    Lịch sử đầu tư giá trị cho thấy các nhà đầu tư đạt được kết quả xuất sắc trong sự nghiệp đầu tư của mình chỉ thuộc một trong hai loại:

    Một là những NĐT chạy DMĐT rất đa dạng, thường nắm giữ vài chục cổ phiếu. Họ là những NĐT theo phong cách cổ điển của Graham, thường định giá bằng phương pháp định lượng dựa trên báo cáo tài chính. Điển hình như Walter Schloss, ông thường sở hữu 60-70 cổ phiếu trong danh mục (Đọc bài về Schloss để biết về thành tích của ông). Các NĐT dạng này đa dạng hoá rộng rãi bởi vì các doanh nghiệp họ sở hữu thường là đang gặp khó khăn, được bán với giá rất rẻ. Do đó, nếu thành công lợi nhuận mang lại có thể rất lớn. Bằng cách này, NĐT có được biên an toàn qua việc mua cổ phiếu giá rẻ và sở hữu một giỏ đa dạng bảo vệ NĐT trước tác động của các cổ phiếu đơn lẻ đến kết quả chung. Triết lý ở đây giống với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, mặc dù trong 1000 người tham gia bảo hiểm sẽ có vài người ra đi, tiêu tốn nhiều tiền bồi thường của công ty bảo hiểm nhưng về tổng thể, chi phí bảo hiểm vẫn đủ đem lại lợi nhuận cho công ty. Một DMĐT kiểu này đã thành công nhờ các yếu tố: (1) Đa dạng hoá rộng rãi để không có cổ phiếu đơn lẻ nào tác động lớn đến kết quả tổng thể; (2) Đạt tỷ lệ cao về khoản đầu tư đem lại lợi nhuận / khoản đầu tư lỗ do đa dạng hoá rộng đã phản ánh tốt xác suất đúng cao hơn trên cơ sở đã phân tích lựa chọn cổ phiếu; (3) Tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi khoản đầu tư thắng rất cao do giá mua rất rẻ; (4) Thời gian dài hạn sẽ phản ánh tốt xác suất.

    Trong số bạn bè của chúng tôi, có Sơn Tùng đã rất thành công với chiến lược này. Xin mời tham khảo thêm tại:

    https://m.facebook.com/SonTung.Dautugiatri/?locale2=vi_VN

    Hai là những NĐT chạy DMĐT rất tập trung. Họ thường sở hữu dưới 10 cổ phiếu trong danh mục. Họ tìm hiểu thật kỹ để hiểu rõ về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tìm kiếm những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững. Như Buffett nói, chỉ đầu tư trong vòng tròn năng lực của mình, chỉ đầu tư vào doanh nghiệp mình hiểu rõ. Việc hiểu rõ về doanh nghiệp sẽ nâng cao xác suất chiến thắng. Một số NĐT nổi tiếng thành công có xác suất đúng rất cao. Tôi từng nghe như Pabrai có tỷ lệ đúng lên đến khoảng 90%. DMĐT của họ thành công bởi: (1) Phân bổ vốn rất tập chung, đồng nghĩa với việc có thời gian để tập trung tìm hiểu kỹ và xác định các ý tưởng tốt nhất. Qua đó, họ đã nâng cao được (2) tỷ lệ thắng / thua. Đồng thời, việc tìm ra các cổ phiếu tốt, giúp họ tăng (3) tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi khoản đầu tư và giảm tỷ lệ lỗ trên mỗi khoản đầu tư. Và cuối cùng, họ tự tin (4) nắm giữ trong thời gian dài các doanh nghiệp tốt, được hiểu rõ, lợi nhuận đầu tư của họ sẽ gia tăng tương xứng với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

    Nhưng tập trung có đồng nghĩa với việc bỏ tất cả trứng vào một giỏ? Tôi thấy có những NĐT cá nhân, thậm chí cả công ty quản lý quỹ phân bổ đến hơn 90% vốn (có công ty tương đương hàng trăm tỷ) vào một cổ phiếu duy nhất. Nếu làm như vậy, họ đã không cho phép bản thân mình sai, buộc mình phải luôn luôn đúng, nhưng ai có thể luôn đúng cơ chứ. Chưa kể đến các sự kiện bất ngờ có thể xảy ra với doanh nghiệp.

    Nói về mức độ đa dạng hoá, Buffett khuyên NĐT chỉ cần sở hữu 6 cổ phiếu là tất cả sự đa dạng hoá cần thiết. Nhưng không nên phân bổ quá 1/7 vốn vào một cổ phiếu (sở hữu 6 cổ phiếu nhưng phân bổ 1/7 vốn/ cổ phiếu vì giữ 1 phần tiền mặt), nếu không khi sai lầm xảy ra hậu quả sẽ rất nặng nề. Và trong những trường hợp đặc biệt hấp dẫn với rủi ro thấp, có thể phân bổ đến 40% vốn vào một cổ phiếu duy nhất kết hợp với có rất ít khả năng bất cứ điều gì xảy ra có thể làm suy giảm mạnh giá trị dài hạn của doanh nghiệp.

    Ngoài ra, đa dạng hoá không chỉ về mặt phân bổ vốn. Đa dạng hoá còn là sự độc lập giữa các cổ phiếu. Một DMĐT gồm một vài cổ phiếu xây dựng, cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu thép và cổ phiếu xi măng, mặc dù thuộc các ngành khác nhau nhưng lại là một DMĐT chưa đa dạng hoá. Bởi vì tất cả các cổ phiếu cùng chịu tác động mạnh bởi sức khỏe của thị trường bất động sản. Nếu nhiều cổ phiếu trong danh mục cùng chịu tác động của một biến thì có nghĩa là danh mục chưa thực hiện đa dạng hoá.

    Cuối cùng, một lần nữa xin được nhắc lại, mục tiêu quan trọng nhất của quản lý danh mục đầu tư là để tồn tại lâu dài trong trò chơi ngay cả khi bạn đã sai và để nhận được một lợi nhuận ít ra phải tương xứng với rủi ro mà bạn đã chấp nhận. Khi phân bổ một DMĐT, hãy nghĩ đến việc giữ tiền trước khi nghĩ đến việc kiếm tiền, như Buffett từng nói: “Tôi không kỳ vọng lợi nhuận lớn nhưng tôi giữ trong tâm trí kỳ vọng không bao giờ mất tiền”.

    Theo: Quang Hiệp – Valueway 15/07/2021

    Leave a Reply