Vàng đã vượt qua đỉnh của lịch sử với tốc độ hiếm thấy, điều này báo hiệu những điều không bình thường đối với nền kinh tế mà chúng ta không mấy khi được chứng kiến. Tất nhiên, điều này dễ hiểu khi nền kinh tế thế giới đang bị rung chuyển bởi dịch bệnh Covid-19 đang vượt ngoài tầm kiểm soát của các quốc gia và những mâu thuẫn địa chính trị đang xảy ra. Có thể nói, chưa bao giờ chủ nghĩa toàn cầu hóa lại gặp thử thách như hiện nay. Nhiều người cảm thấy lo sợ và tìm đến vàng như một kênh trú ẩn rủi ro. Vậy câu hỏi ở đây là: Vàng có là kênh đầu tư thực sự an toàn và hấp dẫn?
Đầu tiên, điều này phụ thuộc vào từng cá nhân và hoàn cảnh cụ thể. Vàng vốn có ý nghĩa biểu tượng quan trọng trong lịch sử và văn hóa ở nhiều quốc gia. Không cần liệt kê hết các ưu điểm của vàng, chúng ta đã biết giá trị của vàng. Đối với các nhà đầu tư, vàng còn có tính chất bảo toàn giá trị trong những thời kỳ biến động. Tuy nhiên theo nhiều thống kê từ năm 1927 đến nay, kênh đầu tư cổ phiếu luôn vượt qua vàng trong cả thời kỳ lãi suất cao hay thấp, điều đó chứng tỏ nó chưa hẳn là kênh tốt nhất để phòng chống lạm phát.
Đối với những nhà đầu tư huyền thoại như Warren Buffett hay Ken Fisher thì vàng chưa bao giờ là lựa chọn ưa thích trong danh mục, vì đơn giản xét ở góc độ đầu tư giá trị, nó không phải thứ sinh ra giá trị thặng dư, nó không tạo ra thu nhập tương lai và cũng không trả đồng cổ tức nào như cổ phiếu. Việc kiếm lời từ vàng hoàn toàn đến từ việc dự đoán sự biến động của giá vàng, tức là thuần đầu cơ. Vậy việc dự đoán này có dễ không?
Ở quan điểm cá nhân, có thể nói dự đoán trước giá vàng là rất rất khó nếu không muốn nói là bất khả thi với phần lớn nhà đầu tư vốn không phải tay chơi chính trong thị trường rộng lớn toàn cầu này. Nó biến động rất khó lường, như Ken Fisher nói, 80% khoảng thời gian nó sụt giá rồi bất thình lình tăng giá ngoạn mục, nhưng phần lớn nhà đầu tư thường sẽ bán nó trước khi giá tăng. Thị trường vàng là thị trường có thể tiến tới gần cái gọi là Thị trường hiệu quả (EMH) so với các thị trường khác, tức là mọi biến động giá đều phản ánh nhanh nhất những gì có thể xảy ra trong tương lai. Trong khả năng của chúng ta thì biến động giá vàng gần như là ngẫu nhiên, vì chúng ta không thể dự đoán trước tương lai nhanh hơn vàng.
Chưa kể đến việc chênh lệch giá mua bán vàng ở Việt Nam là rất lớn, và tính an toàn trong việc cất giữ vàng cũng là lý do làm giảm sự hấp dẫn của nó như một kênh đầu tư so với cổ phiếu
Nói như vậy thì sự biến động của giá vàng có quan trọng với nhà đầu tư không? Theo tôi là có, thay vì phải dự đoán giá vàng, chúng ta nên sử dụng nó làm công cụ tham chiếu để phân tích những gì sẽ xảy ra với phần còn lại của nền kinh tế.
Có thể nói việc tăng giá vàng gần đây là một tín hiệu tiêu cực đối với nền kinh tế nói chung. Theo kinh nghiệm thì việc tăng giá này thường báo hiệu trước lạm phát sẽ tăng. Giá các loại mặt hàng nguyên vật liệu thô sẽ đồng loạt tăng. Điều này dễ hiểu nếu nhìn vào chính sách siêu nới lỏng tiền tệ của Mỹ hiện nay. Họ in rất nhiều đồng đô la để bơm vào nền kinh tế. Trước đây khi Mỹ thực hiện chính sách kích thích tăng trưởng như vậy, nền kinh tế của Việt Nam thường được hưởng lợi, vì chúng ta là nền kinh tế có độ mở cao, và chính sách tiền tệ sẽ có thêm dư địa để nới lỏng, và những lúc như vậy thị trường chứng khoán sẽ phản ánh tích cực. Nhưng bây giờ thì sao?
Khả năng là khó. Dịch Covid-19 kéo dài đã làm tê liệt nền kinh tế, và nếu lạm phát bùng phát trở lại, sẽ gây áp lực đến chính sách tiền tệ của chúng ta. Mỹ là nền kinh tế có nội lực và nhiều thế mạnh đặc thù, vì vậy họ có thể tự tin với chính sách in tiền của mình để kích thích tăng trưởng. Nhưng nếu Việt Nam không kiểm soát được lạm phát, rủi ro đến hệ thống kinh tế sẽ lớn hơn, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tóm lại, chúng ta nên thực sự lo lắng về biến động của giá vàng hiện nay.
Theo: Tiến, Valueway 31/07/2020